Biển số xe
Không còn chỉ thấy đau lòng cho con người và quê hương mình, tôi bắt đầu mỉm cười khi thấy biển số xe quen thuộc.
Là một đứa đi học xa quê, tôi luôn cố gắng tìm kiếm những biển số bắt đầu từ 66 (Đồng Tháp) và 67 (An Giang), hoặc tốt hơn là những biển số bắt đầu từ 66-G1 (huyện Hồng Ngự) và 67-K1 (huyện Phú Tân) trong hàng trăm, hàng ngàn chiếc xe mà tôi lướt qua.
Trong quá trình đó, tôi đã mâu thuẫn với chính mình. Bên cạnh việc những biển số xe đó làm tôi bớt nhớ nhà hay cảm giác cô đơn hơn khi ở Sài Gòn thì tôi luôn thầm mong tôi sẽ không gặp nhiều đến thế những biển số xe đó.
Hồi còn nhỏ, qua quan sát và được nghe bà con trong xóm truyền tai nhau, tôi tự hiểu rằng nhà nào đi làm ăn xa ở Sài Gòn hay Bình Dương đều là nhà khó khăn. Họ luôn nhắc đến những gia đình đó như một điều gì đó rất đáng thương, tội nghiệp.
Bởi lẽ, tiền kiếm được dưới quê không đủ nuôi sống một nhà ba, bốn miệng ăn nếu không có miếng ruộng trồng lúa hay cái hầm nuôi cá, bất đắc dĩ lắm thì dân quê mới chọn cách xa nhà.
Càng lớn, số người ở xã tôi càng thưa dần. Nhóm người trẻ, khỏe chẳng còn ở dưới quê là mấy. Sau cùng gần như chỉ còn người già ở lại quê trông cháu thay con, và đám trẻ ngày ngày đi học.
Nhà tôi cũng chẳng khác mấy, trong trí nhớ của mình, ba mẹ đã đi làm xa từ năm tôi vào lớp 1 cho tới tận bây giờ. Trải nghiệm đó làm tôi không thấy vui vẻ gì khi bắt gặp nhiều biển số xe quen thuộc trên đất Sài Gòn. Càng nhiều người tha hương cầu thực thì càng cho thấy quê mình còn nghèo lắm, dân mình còn cực, còn khổ.
Tuy nhiên, tôi tự hỏi, nếu ba mẹ quyết định kiếm sống ở quê thì giờ nhà tôi sẽ thế nào? Có thể vẫn sống được thôi, tôi và em gái vẫn có thể đi học, cuộc sống sẽ khó khăn hơn đôi chút, nhưng may là vẫn vừa đủ sống.
Thế nhưng, có thể ba mẹ đã không là ba mẹ như bây giờ, người luôn cố gắng trong công việc và luôn tâm lý, ủng hộ con cái. Ba mẹ cũng chẳng có mấy câu chuyện để kể, về những người tốt, giỏi ba mẹ đã gặp, về những bài học và thất bại ba mẹ đã trải qua. Chị em tôi cũng không bao giờ biết được ngoài những lúc làm việc cực khổ thì ba mẹ cũng học được không ít điều qua những lần gọi điện về nhà hay những ba mẹ về dịp tựu trường, lễ tết.
Và có thể, tôi chẳng được đọc ké mấy quyển truyện Cô Tiên Xanh, Trạng Quỳnh Trạng Tí, sách tham khảo cũ… từ những người tôi không bao giờ biết mặt. Tôi sẽ lớn lên trong một môi trường khác, trở thành người khác. Liệu phiên bản đó sẽ là người thế nào?
…
Nhìn kỹ lại, tất cả những gì tôi có được đều bắt nguồn từ những ngày ba mẹ đi làm xa.
Vậy suy cho cùng, đi xa nhà xa quê, cũng đâu phải là điều gì đó quá đáng buồn?
Khi bước ra ngoài thế giới rộng lớn hơn cái làng xã dưới quê, có cơ hội gặp gỡ nhiều người và thấy nhiều thứ hơn giúp chúng tôi có nhiều góc nhìn hơn. Thứ giúp chúng tôi có niềm tin hơn vào những gì mình đang làm và càng cố gắng hơn cho những gì mình mong muốn.
Tha hương cầu thực cho thấy bà con quê mình còn nghèo, nhưng rồi sao? Giờ thì xóm tôi không còn thấy lạ lẫm gì với những nhà có người đi làm xa. Họ chỉ bất ngờ nếu có người nhà không có của ăn của để mà vẫn ở lại.
Tôi cho rằng đây có thể là một dấu hiệu tốt cho chính những người đang làm xa quê đó và cho chính lớp trẻ còn đang miệt mài đi học mỗi ngày ở quê nhà. Mọi thứ đang dần thay đổi, từng chút một, theo hướng nào đó tốt hơn.
Vì vậy, đã hơn 3 năm ở Sài Gòn, tôi vẫn luôn giữ thói quen nhìn biển số mỗi khi bắt gặp chiếc xe nào đó. Không còn chỉ thấy đau lòng cho con người và quê hương mình, tôi bắt đầu mỉm cười khi thấy biển số xe quen thuộc.
Tôi tin rằng dù những gì chúng tôi đang trải qua có khó khăn hay không thì nó cũng đều là những trải nghiệm đáng giá. Và rằng tương lai cùng những điều tốt đẹp vẫn đang chờ chúng tôi.
awww e thích góc nhìn của c lắm
xa nhà xa quê thì cũng giống như nhiều người Việt ở nước ngoài thôi mà e. Mình cũng ko phải nghĩ họ đang "tha hương cầu thực" đâu, vì xã hội luôn chuyển động, cũng có nhiều ng nc ngoài sang VN làm việc đấy thôi